Bí quyết kinh doanh cửa hàng tạp hóa vốn ít lãi cao và cách bảo vệ cửa hàng năm 2020
Sau khi dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu thuyên giảm, ngành bán lẻ đã và đang có nhiều dấu hiệu hồi phục tích cực khi sức mua tăng. Nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm tăng cao cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh. Một trong những hình thức kinh doanh vốn ít lãi cao mà nhiều người đang nhắm tới chính là mở và kinh doanh cửa hàng tạp hóa tự chọn.
Qua chuỗi bài viết Bí quyết kinh doanh, Thế Giới Sáng Tạo xin chia sẻ một số bí quyết mở cửa hàng tạp hóa trong năm 2020 mới nhất, cũng như một số cách bảo vệ cơ sở kinh doanh trước các nguy cơ trộm cắp có thể xảy ra.
- Mở cửa hàng tạp hóa tự chọn cần những gì? Làm thế nào để bắt đầu?
- Chọn lựa mặt bằng thích hợp để mở tiệm tạp hóa
- Tìm nguồn hàng thích hợp, giá rẻ và đa dạng cho tiệm tạp hóa
- Nhu cầu thực tế của khách mua tại cửa hàng tạp hóa
- Trưng bày hàng hóa hiệu quả
- Lên kế hoạch tiếp thị, quảng cáo cho cửa hàng tạp hóa mới
- Làm sao để bảo vệ cửa hàng tạp hóa của bạn? Có nên trang bị thiết bị chống trộm không?
- Một số câu hỏi thường gặp khi bắt đầu kinh doanh tiệm tạp hóa
Tại Việt Nam, tạp hóa là một trong những hình thức kinh doanh phổ biến nhất. Dạo một vòng qua khu dân cư bất kỳ, ngoài các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi, bạn luôn có thể tìm thấy một cửa hàng tạp hóa. Tính tới nay, mô hình kinh doanh này đã đạt con số trên 350.000 cửa hàng trên cả nước.
Mở cửa hàng tạp hóa tự chọn cần những gì? Làm thế nào để bắt đầu?
Khi bước vào một loại hình kinh doanh bất kỳ, mọi người đều có các câu hỏi như kinh doanh mặt hàng này cần giấy tờ hay đăng ký kinh doanh không? Vốn có cao không? Kinh doanh thế nào để có lãi? Đây đều là các vấn đề khá cơ bản trong kinh doanh, người bán chỉ cần nghiên cứu một số thứ trước khi bắt đầu.
Chọn lựa mặt bằng thích hợp để mở tiệm tạp hóa
Chọn đúng địa điểm cũng như mặt bằng kinh doanh đã chiếm hơn 80% cơ hội thành công của cửa hàng. Nếu bạn chọn các mặt bằng ở khu vực hẻo lánh, chi phí cho mặt bằng có thể giảm nhiều, tuy nhiên, cơ hội bán được hàng lại không cao. Nếu bán ở khu vực có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, nhất là các tiệm tạp hóa tồn tại đã lâu, công việc kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Thay vào đó, hãy dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu qua người quen, người dân ở các khu vực tiềm năng để chọn được mặt bằng tốt nhất cho mình. Một mặt bằng kinh doanh tạp hóa tốt nhất nên nằm ở khu vực có thể thu hút lượng khách đến từ nhiều phía (vd, góc ngã tư) và nên nằm ở mặt tiền đường lớn ở các khu vực đông dân cư hoặc có đông người qua lại. Nên hạn chế chọn các mặt bằng bị che khuất, hoặc lưu thông xe cộ bị cản trở. Nếu bạn bán chủ yếu cho khách vãng lai, hãy chọn các mặt bằng có khu vực đậu xe tương đối rộng rãi phía trước.
Khu dân cư bạn chọn nên gần những nơi đông đúc như trường học, công ty, xí nghiệp, chung cư... để tăng tối đa khả năng có khách. Một cửa hàng tạp hóa cơ bản có diện tích khoảng 60m2, nếu được bày trí gọn gàng và bắt mắt có thể đem về lợi nhuận lớn cho bạn.
Sau khi đã tìm hiểu và chọn lựa được nơi thích hợp, việc cuối cùng cần làm là ký một hợp đồng đảm bảo với chủ nhà. Một hợp đồng thuê nhà thường kéo dài từ 3-5 năm để tránh gián đoạn công việc kinh doanh. Tuy nhiên bạn nên cân nhắc chi phí cũng như ngân sách mình đang có để đưa ra mức thuê cho hợp lý nhất với nguồn vốn hiện có.
Tìm nguồn hàng thích hợp, giá rẻ và đa dạng cho tiệm tạp hóa
Trước khi mở cửa hàng hoặc đi tìm mặt bằng, việc nghiên cứu và chọn các loại hàng hóa cũng khá quan trọng. Một cửa tiệm tạp hóa cần có đầy đủ các sản phẩm cần thiết, nhu yếu phẩm để người mua có thể tham quan, lựa chọn trong một lần thay vì phải tốn công đi nhiều lần. Tuy cần ưu tiên hàng hóa đa dạng, người bán cũng phải cân nhắc ngân sách và sản phẩm bán chạy.
Để tìm hiểu những sản phẩm chủ lực nào mà khu dân cư tiềm năng tiêu thụ nhiều nhất, hãy dành thời gian khảo sát xung quanh, hoặc nghiên cứu các đối thủ gần đó, để chọn được một số sản phẩm chủ lực cần đẩy mạnh (gạo, sữa, mì gói,...).
Sau khi đã tìm ra các sản phẩm cần đẩy mạnh, tiếp theo người bán cần tìm hiểu chính sách giá của một số đại lý hoặc chủ động tìm kiếm nguồn hàng ở các chợ đầu mối, siêu thị, công ty. Thời đại Internet phát triển cho phép các đại lý đăng tải giá, thông tin sản phẩm trên các Website và bạn có thể dễ dàng tìm ra khi tìm kiếm trên Google, Facebook để chọn lựa được nguồn hàng tốt nhất.
Nhu cầu thực tế của khách mua tại cửa hàng tạp hóa
Sau khi đã chuẩn bị hàng hóa, địa điểm kinh doanh, hãy tìm hiểu xem khu dân cư này có những đặc điểm và nhu cầu riêng biệt nào không. Mức thu nhập ở khu vực đó thế nào? Tần suất một ngày có bao nhiêu người qua lại? Xung quanh có bao nhiêu cửa hàng tạp hóa cạnh tranh? Dân cư có thường xuyên mua hàng ở tạp không? Những thông tin này sẽ tốn một ít thời gian để khảo sát, nhưng sẽ giúp ích cho kinh doanh khi bạn xác định đúng khách hàng và nhu cầu của thị trường.
Trưng bày hàng hóa hiệu quả
Trưng bày hàng hóa trong cửa hàng phải đảm bảo 4 yếu tố: gọn gàng, đẹp mắt, logic và thuận tiện. Đối với các cửa hiệu tạp hóa nhỏ và vừa, cách trưng bày và bố trí phải đảm bảo vừa đủ không gian để khách có thể đi lại hoặc nhìn thấy toàn bộ sản phẩm đang được bày bán. Trước khi trữ quá nhiều hãng, hãy dành thời gian phân bố và sắp xếp các sản phẩm thật gọn gàng và đẹp mắt nhằm thu hút người mua. Những sản phẩm liên quan nên nằm gần nhau để người mua có thể thuận tiện chọn lựa (vd kem đánh răng nên nằm gần bàn chải đánh răng, xà phòng, sữa tắm), cũng như tăng tính thuận tiện cho người bán khi lấy hàng.
Lên kế hoạch tiếp thị, quảng cáo cho cửa hàng tạp hóa mới
Tuy không thể sử dụng các kế hoạch quảng cáo hoành tráng hay những chiến lược MKT rầm rộ, các cửa hàng tạp hóa vẫn có thể sử dụng hình thức quảng cáo tốt nhất : khuyến mãi và giảm giá. Khi cửa hàng mới khai trương, các chương trình khuyến mãi như mua 1 tặng 1, mua 2 được 3, hoặc giảm giá mạnh như mua 3 giảm 50% sẽ gây ấn tượng với người mua, từ đó cũng tạo ấn tượng tốt hơn về cửa hàng của mình.
Người bán tạp hóa cũng nên lưu ý các ngày lễ, tết và áp dụng các chương trình tặng quà cho khách quen, hoặc giảm giá cho khách mua số lượng lớn. Nếu có điều kiện mở rộng, dịch vụ đặt hàng online hoặc giao hàng tận nhà cũng là giải pháp hiệu quả.
Làm sao để bảo vệ cửa hàng tạp hóa của bạn? Có nên trang bị thiết bị chống trộm không?
Trộm cắp là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với tiệm tạp hóa. Đây là một trong những nơi dễ xảy ra tình trạng ăn cắp vặt, hoặc trộm đột nhập và lấy đi các sản phẩm đắt tiền (sữa bột, mỹ phẩm, tiền mặt..). Để bảo vệ cơ sở kinh doanh này, bạn nên cân nhắc trang bị thêm một vài thiết bị phòng chống trộm bao gồm:
Camera wifi quan sát 24/7
Camera quan sát trong nhà 24/7 đơn giản là các camera wifi có khả năng ghi hình ngày đêm, giúp bạn quan sát tiệm khi không có mặt tại chỗ từ xa qua điện thoại, cũng như phát hiện kịp thời bất cứ ai có ý định trộm cắp khi vào tiệm. Khi đóng cửa vào ban đêm, Camera có thể phát hiện trộm đột nhập nhờ hồng ngoại quay đêm cũng như khả năng phát hiện chuyển động, từ đó gửi cảnh báo về điện thoại cho bạn.
Thiết bị cảnh báo mở cửa
Nếu không muốn trang bị các giải pháp báo trộm với chi phí cao, bạn có thể cân nhắc sử dụng một số chuông báo cửa mở dùng pin hoặc các cảm biến chuyển động bằng hồng ngoại có chuông để dọa sợ trộm ngay khi vừa phát hiện có dấu hiện đột nhập bất thường. Những thiết bị này có giá rẻ và hoạt động trong thời gian dài bằng pin, thuận tiện cho việc lắp đặt ở các vị trí nhạy cảm như cửa ra vào, cửa sổ, ngăn kéo tủ đựng tiền.
Một số câu hỏi thường gặp khi bắt đầu kinh doanh tiệm tạp hóa
Khi bắt đầu kinh doanh tiệm tạp hóa, người kinh doanh vẫn có một số câu hỏi thường cân nhắc trước khi kinh doanh.
Vốn mở tiệm tạp hóa là bao nhiêu? Có cao không?
Chi phí mở cửa tiệm tạp hóa dao động do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Để bắt đầu, người kinh doanh nên chuẩn bị sẵn từ 200-400 triệu đồng, và chi phí này sẽ phân bổ vào nhiều mục cần đầu tư khác nhau như tiền thuê mặt bằng, vốn nhập một số loại hàng hóa, trang bị kệ và bày trí, mua sắm thiết bị an ninh, thuê nhân viên, sửa chữa mặt bằng....
- Chi phí thuê mặt bằng: tùy theo khu vực và độ lớn của mặt bằng mà mức giá sẽ thay đổi tương đương. Đối với mặt bằng tầm 60m2, chi phí sẽ bắt đầu từ 10 triệu đồng/tháng (giá thuê thay đổi theo năm)
- Chi phí đầu tư hàng hóa: Đối với những cửa hàng mới bắt đầu, nếu đã tìm được nguồn hàng giá rẻ, chi phí sẽ không quá cao. Tuy nhiên nên chọn lựa các sản phẩm có chất lượng, uy tín và xuất xứ rõ ràng, dù giá thành sẽ cao hơn một chút, nhằm tạo uy tín và sự tin tưởng cho khách hàng. Tổng chi phí đầu tư sẽ rơi từ 100 - 300 triệu tùy theo số lượng hàng hóa cần mua sắm.
- Giá thuê nhân viên: nếu không thể tận dụng nguồn lực từ gia đình, việc thuê nhân viên theo tháng sẽ tiết kiệm cho bạn được nhiều thứ. Giá thuê nhân viên có thể dao động từ 5 triệu đồng/tháng cho mỗi nhân viên bán hàng. Bạn có thể thuê các bạn sinh viên để làm việc theo ca với chi phí có thể thấp hơn.
- Lắp đặt trang thiết bị: một số trang thiết bị cần thiết cho tiệm tạp hóa của bạn bao gồm kệ trưng bày hàng hóa, máy vi tính và phần mềm bán hàng, máy đọc mã vạch và in hóa đơn (nếu cần), bàn và ghế thu ngân, máy tính cầm tay. Toàn bộ chi phí dao động trong khoảng từ 30-40 triệu đồng.
Nên bắt đầu ở nông thôn hay thành phố?
Mỗi khu vực sẽ có ưu điểm và hạn chế riêng. Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí, mở một tiệm tạp hóa ở khu vực nông thôn sẽ giúp giảm giá thành đầu tư, đồng nghĩa với việc bạn có thể bắt đầu với mức giá thấp hơn, cũng như không cần đầu tư quá nhiều mặt hàng.
Ở thành phố luôn có mức cạnh tranh cao hơn dẫn đến chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm ở thành phố cũng cao và đa dạng hơn nông thôn, nên cơ hội có lãi từ cửa hàng tạp hóa cũng cao hơn.
Kinh doanh tạp hóa có lãi không? Thu nhập cao không?
Mỗi ngành kinh doanh đều có mức thu nhập tương đối khác nhau. Đối với tiệm tạp hóa, việc thu nhập 1-2 triệu đồng/ngày là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên cần có một kế hoạch bán hàng cũng như nghiên cứu thị trường thật kỹ lưỡng.
Thu nhập từ cửa hàng tạp hóa có thể đến từ một số nguồn sau:
- Thu nhập từ việc bán sản phẩm trực tiếp: bạn có thể kiếm lợi nhuận từ việc mua hàng giá sỉ và bán hàng giá lẻ để thu lợi nhuận trực tiếp từ chênh lệch. Đây là khoản thu nhập chính khi mở cửa hàng tạp hóa.
- Lợi nhuận từ chiết khấu từ nhà phân phối: Khi bạn nhập hàng với số lượng lớn, bạn luôn được hưởng chiết khấu cao hơn từ phía nhà phân phối, đồng nghĩa với việc thu nhập của bạn sẽ cao hơn những đối thủ còn lại.
- Lợi nhuận từ quảng cáo: một số mặt hàng sẽ yêu cầu được chụp hình sản phẩm, đặt quảng cáo, tờ rơi tại tiệm của bạn, đổi lại một mức thu nhập nhất định. Đây là nguồn thu không thường xuyên, nhưng cũng góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng của bạn.
Nếu bạn có nhu cầu khởi nghiệp với số vốn thấp và đang tìm kiếm một cơ hội mới, hãy tham khảo bài viết và bắt đầu xây dựng cửa hàng tạp hóa của mình.
Để được tư vấn các thiết bị báo trộm phù hợp với nhu cầu bảo vệ cửa tiệm, cơ sở kinh doanh, nhà ở, gọi ngay cho Hotline để nhận được báo giá và thông tin chính xác nhất.
Thế Giới Sáng Tạo | |||
Chuyên Cung Cấp Thiết Bị Công Nghệ An Ninh, Camera Quan Sát, Nhà Thông Minh | |||
Camera quan sát | Thiết bị báo trộm | Nhà thông minh | Chuông báo khách |
Địa chỉ: Lầu 3 - 186 Đặng Văn Ngữ, P.14, Q.Phú Nhuận, HCM | Hotline/Zalo: 093 821 7744 |