Tần số 315MHz, 433Mhz của báo động tại nhà có ý nghĩa gì ? Sự khác nhau giữa các mức tần số RF.
Nhiều người dùng thiết bị báo động vẫn chưa biết về ý nghĩa của tần số RF 315MHz hay 433MHz, cũng như sự khác biệt giữa các mức tần số này. Qua bài viết ngắn bên dưới, Thế Giới Sáng Tạo xin giới thiệu một số thông tin cơ bản về sóng Radio tần số 315 và 433MHz và ứng dụng trong các thiết bị báo động.
Tần số RF 315MHz/433MHz là gì?
RF là từ viết tắt cho Tần số Vô tuyến (radio frequency) nhằm chỉ các tín hiệu sóng vô tuyến phát ra từ các thiết bị phát (transmitter) với các tần số khác nhau như 315MHz, 433MHz. Hz là từ viết tắt cho đơn vị đo tần số, hoặc chu kỳ sóng Hertz. Theo đơn vị đo này, tần số 315MHz tương đương với 315,000,000 chu kỳ sóng phát ra mỗi giây, và tần số 433MHz tương đương với 43,000,000 chu kỳ sóng.
Sóng Vô tuyến 315/433Mhz nằm trong băng sóng UHF (viết tắt cho Ultra High Frequency - Tần số Cực Cao) dùng để truyền tín hiệu hiệu quả hơn trong không khí. Do cũng là bước sóng, tần số 315/433MHz cũng tuân theo các định luật phản xạ, cũng như khả năng xuyên qua những tường chắn dày không phải kim loại. Tuy nhiên, phạm vi kết nối qua tường chắn thường bị giảm mạnh (lên đến 50%), dẫn đến khác biệt về khả năng kết nối không tường chắn và có tường chắn.
Ứng dụng của RF 315/433MHz trong đời sống?
Các thiết bị có khả năng giao tiếp bằng sóng vô tuyến 315/433MHz thường được trang bị một thiết bị phát (transmitter) và một đầu nhận tín hiệu (receiver). Có 3 kiểu giao tiếp bằng sóng vô tuyến thường thấy trong các thiết bị vô tuyến là :
- Simplex (giao tiếp đơn công): một thiết bị chỉ có khả năng phát, một thiết bị chỉ có khả năng thu, ví dụ như remote điều khiển cửa cuốn, remote xe hơi, remote điều khiển thiết bị báo động...
- Half-duplex (giao tiếp bán song công): cả hai thiết bị đều được trang bị mạch thu và phát tín hiệu nhưng mỗi lần chỉ sử dụng được một chức năng và phải trang bị nút chuyển mạch để sử dụng, ví dụ như bộ đàm (nút bấm để nói trên bộ đàm)
- Duplex (giao tiếp song công) tương tự như half-duplex, nhưng thiết bị có thể vừa thu vừa phát đồng thời, không cần nút chuyển, ví dụ như điện thoại vô tuyến.
Với tần số RF 315/433MHz, nhà sản xuất thường ứng dụng vào các thiết bị giao tiếp Simplex, ứng dụng trong việc sản xuất các remote điều khiển từ xa có khoảng cách kết nối xa, các cảm biến chuyển động, cảm biến cửa, cảm biến gas, khói (phát tín hiệu )kết hợp với trung tâm báo động (nhận tín hiệu).
Hi vọng qua bài viết ngắn này, người dùng thiết bị báo động đã có thêm các thông tin hữu ích về tần số vô tuyến 315MHz và 433MHz cũng như ứng dụng trong các thiết bị báo động.